Triết lý giáo dục ở Na Uy: ‘Không cần làm máy bay, lái xe buýt tốt là được’

Triết lý giáo dục ở Na Uy: ‘Không cần làm máy bay, lái xe buýt tốt là được’

Triết lý giáo dục ở Na Uy: ‘Không cần làm máy bay, lái xe buýt tốt là được’

Không có áp lực thi cử, trường học ở Na Uy là nơi trẻ chuẩn bị hành trang cần thiết để bước vào cuộc sống. Những đứa trẻ cấp I có thể đã được biết về đầu tư hay thẻ ngân hàng, học sinh trung học biết tự tính thuế hay thu nhập tương lai.

Học sinh Trường LadeSkole được thoải mái mặc những gì các em thích khi đến trường và không bị áp lực kiểm tra bài cũ hay thi cử – Ảnh: PHAN LINH

Khi mới đặt chân tới Na Uy, tôi đã từng không hiểu vì sao người Na Uy có thể có nhiều kiến thức đa ngành như vậy trong khi nhìn bề ngoài cứ như thể họ “chẳng học gì”. 

Chẳng hạn, giáo sư vật lý có thêm bằng biểu diễn sáo trong dàn nhạc, tiến sĩ khoa học có thể đồng thời kiếm sống từ việc bán các bản nhạc tự sáng tác qua website cá nhân. Ai cũng nói được ít nhất 2 ngoại ngữ và việc nói được 3-4 thứ tiếng là hết sức bình thường. 

Sau 10 năm sống ở quốc gia Bắc Âu xinh đẹp, tôi đã tự tìm được câu trả lời.

Bình đẳng mọi thứ

Nói chung không có khái niệm thượng lưu hay bình dân, trường chuyên hay trường thường ở Na Uy. Dù là trường có vài trăm hay chỉ vài chục học sinh (ở các tỉnh xa) cũng đều được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí và đội ngũ giáo viên giống nhau.

Không có chuyện nhà giàu thì học trường sang hơn, mọi thứ cào bằng hết. Giáo viên không được quyền hỏi sâu về công việc/chức vụ của cha mẹ và các cha mẹ khác cũng vậy. Những đứa trẻ đến từ nước khác sẽ được khuyến khích học tiếng mẹ đẻ.

Không có chuyện coi trọng môn nào hơn môn nào. Không có chuyện toán học quan trọng hơn nghệ thuật. Các lớp học được phát triển để trẻ và thầy cô khám phá ra thiên hướng của chúng và mọi khả năng đều được công nhận.

Học sinh đi học không xếp loại xấu hay tốt, giỏi hay yếu/kém. Cho tới lớp 8, hệ thống chấm điểm mới được sử dụng. Thậm chí việc so sánh học sinh với nhau còn bị cấm. Những đứa trẻ kém may mắn bị tật nguyền, thậm chí cần sự trợ giúp “đặc biệt” vẫn đi học cùng các bạn bình thường. 

Trong một trường, lớp học được thiết kế cho cả những bạn khiếm thị hay khiếm thính. Những người càng yếu thế thì càng được đối xử đặc biệt và hỗ trợ hòa nhập.

Quyền bình đẳng giữa trẻ và người lớn (gồm cha mẹ và giáo viên) rất được đề cao. Trẻ lớp 1 đã được dạy về các quyền của chúng và có quyền khiếu nại với một nhân viên xã hội. Cha mẹ phải hiểu con là một con người độc lập và không được phép xâm phạm cả về thể chất lẫn lời nói.

Không nặng thi cử, kiểm tra

Kế hoạch học tập và phát triển cá nhân được soạn cho từng đứa trẻ. Tính cá nhân hóa thể hiện ở nội dung sách mà trẻ đọc (cấp độ tùy vào từng trẻ), bài tập (lớp 1 chỉ có 1 bài tập/tuần, mất khoảng 5 – 10 phút làm mỗi ngày thậm chí ít hơn nhiều), số lượng bài tập trên lớp, số bài tập về nhà, thời gian phân bổ chung cũng như tài liệu giảng dạy.

Trong cùng một lớp, trẻ làm bài tập ở những mức độ phức tạp khác nhau và được đánh giá theo cấp độ cá nhân. Nếu con hoàn thành bài tập phức tạp ngay từ đầu, đó là điều tuyệt vời. Hôm sau con sẽ được đưa cho bài tập với cấp độ khó hơn, con không làm được cũng không sao, có thể quay trở lại với bài tập đơn giản hơn.

Ở Na Uy không có chuyện gia sư hay dạy kèm. Giáo viên ở trường tự nguyện giúp trẻ bổ sung những kiến thức còn yếu. Dù chương trình giáo dục được thống nhất trên toàn quốc nhưng mỗi giáo viên có thể sử dụng cách dạy họ cho là phù hợp. Những gì không còn hữu ích hoặc thực tế sẽ được đưa ra khỏi chương trình giáo dục.

Giáo viên sẽ cố gắng để thu hút sự tập trung của học sinh, nhưng nếu trẻ thiếu hứng thú hoặc thiếu khả năng học tập, trẻ sẽ được định hướng với nghề hữu ích trong tương lai. 

Không phải ai cũng chế tạo máy bay, chỉ cần lái xe buýt tốt là được. Vì thế, trong thời gian học cấp II, trẻ sẽ có vài tuần làm quen với một công việc nào đó, thực sự tham gia vào môi trường làm việc và thử làm việc.

Trường trung học là nơi giúp trẻ tiếp tục quyết định mình nên học và định hướng nghề nghiệp thế nào, nên học cao hơn hay chỉ cần mức độ kiến thức tối thiểu là đủ, ai sẽ tốt hơn nếu theo một trường nghề. Đặc biệt, tiếp tục học lên cao hay học nghề đều có giá trị như nhau. 

Để giúp trẻ định hướng, trường sẽ có các cuộc trò chuyện giữa trẻ với các chuyên gia hướng nghiệp và có thể thực hiện một vài bài kiểm tra.

Tất cả các trường học sẽ kết nối với một phần mềm điện tử của chính quyền thành phố giống như nhật ký ở trường, mỗi phụ huynh có một tài khoản riêng. Mọi thứ xoay quanh các thông báo về học tập và hoạt động ở trường, bác sĩ tâm lý, hướng nghiệp, bác sĩ y tế… đều có ở đây.

Điều thú vị có thể thấy là hầu như các trường học đều không có cổng và sân chơi mở, không có hàng rào. Thêm nữa là học sinh không phải mặc đồng phục, có thể mặc bất cứ thứ gì các em muốn.

Mọi thứ đều miễn phí

Ngoài chuyện học miễn phí, một đứa trẻ đi học còn được miễn phí ăn trưa (có thể mỗi trường mỗi khác, có trường thì trẻ tự mang đồ ăn trưa, có trường chỉ cung cấp trái cây), các hoạt động ngoại khóa, đồ dùng học tập từ balô, bút, sách, vở, máy tính xách tay và cả máy tính bảng.

Từ lớp 1 trẻ đã được phát chromebook (máy tính xách tay chạy hệ điều hành Chrome của Google) để sử dụng trên lớp, từ lớp 2 thì sẽ được mang về nhà và trả lại trường trước khi nghỉ hè.

Theo tuoitre.vn