Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng
Đội ngũ nhà giáo (giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp) được coi là chìa khóa then chốt, đóng vai trò quyết định để nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Giờ học thực hành nghề Điều dưỡng tại trường Trung cấp Y – Dược Cộng đồng Hà Nội
KHÂU “THEN CHỐT” CÓ TÍNH QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.
Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục: “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.
Việc phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn được xác định là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện nay, cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trung cấp, 1.052 trung tâm với 83.959 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Trong đó, có 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hầu hết đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt chuẩn chức danh nghề theo quy định. 31,7 % có trình độ trên đại học; 60,1% có trình độ đại học, cao đẳng, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Việc đánh giá tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được chia thành ba loại: đối với nhà giáo dạy lý thuyết đạt chuẩn có 18.448 người; nhà giáo dạy thực hành đạt chuẩn có 23.287 người; nhà giáo dạy tích hợp đạt chuẩn có 35.650 người; nhà giáo giảng dạy thực hành và tích hợp đạt chuẩn về kỹ năng nghề chiếm 91,13%. Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Cơ cấu nhà giáo cơ bản phù hợp với mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực. Tổng số cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp là 20.627 người, có trình độ chuyên môn, trong đó, 94,21% có trình độ đại học và trên đại học, gần 50% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ quản lý. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên cả nước phát triển nhanh về số lượng cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo từng bước được chuẩn hóa.
Việc phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp, trong đó có phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn được xác định là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. |
Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu nhà giáo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp…) hiện nay còn thiếu đội ngũ có trình độ kỹ năng nghề cao, thiếu nhà giáo giảng dạy ở các ngành nghề chuyển giao cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN. Số lượng cán bộ quản lý nhà nước ở các địa phương còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Năng lực chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng nghề của một bộ phận nhà giáo nhìn chung còn hạn chế, ảnh hướng tới khả năng cập nhật công nghệ mới, tiên tiến của khu vực và thế giới vào trong giảng dạy. Năng lực quản lý, quản trị và trình độ đào tạo của nhiều cán bộ quản lý các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chưa chuyên nghiệp, chưa thích ứng với sự thay đổi của khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế để đổi mới công tác quản lý tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4. (Ảnh minh họa)
Để phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong các trường cao đẳng, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề thành thạo, các nhà trường phải trang thiết bị dạy nghề, đào tạo nghề hiện đại phục vụ rèn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường cao đẳng. Hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ 21 đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. Xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo.
Hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ 21 đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. |
Đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đối với nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế. Tổ chức, sắp xếp hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng phân bổ hợp lý theo vùng, miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo. Thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên, giảng viên trong các trường cao đẳng. Phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo trình độ cao đẳng. Triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong các trường cao đẳng.
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý các trường cao đẳng theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý – quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ. Phát triển nhanh và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định, bảo đảm chất lượng, đội ngũ thanh tra, cộng tác viên thanh tra chuyên ngành. Định kỳ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ này.
Theo Tuyengiao.vn